Trà hoa hòe tốt cho sức khỏe thế nào? Máy sấy Trà Hoa Đa Năng Ánh Dương

Thứ năm - 30/06/2022 21:11
Với những cánh hoa màu trắng mong manh, hoa hòe thường được trồng như một loại cây cảnh để làm đẹp cho khu vườn quanh nhà. Không những vậy, trà hoa hòe uống rất thơm và giúp chữa nhiều bệnh lý khác nhau như trĩ, huyết áp cao, mất ngủ…
Trà hoa hòe tốt cho sức khỏe thế nào? Máy sấy Trà Hoa Đa Năng Ánh Dương

Hoa hòe có vị đắng nhẹ và mùi thơm đặc trưng. Đây là loài thực vật chứa một loạt các hợp chất phytonutrient có hoạt tính cao và có lợi. Hoa chứa flavonoid, troxerutin và oxymatrine, đóng vai trò chống oxy hóa mạnh mẽ và đã nhiều lần được chứng minh là hỗ trợ sức khỏe hệ tuần hoàn. Người ta thường dùng hoa hòe khi nụ hoa còn chưa nở, sau đó phơi hoặc sấy khô để làm thuốc trị một số loại bệnh hoặc pha trà uống nhằm thanh nhiệt, giải độc ngày hè.

Bộ phận được dùng làm dược liệu, chiết xuất rutin chủ yếu là nụ hoa chưa nở, lúc này hoa có hàm lượng rutin cao nhất. Nếu hoa đã nở, hàm lượng rutin giảm rõ rệt nên chất lượng dược liệu cũng giảm. Vì vậy bao giờ người ta cũng thu hoạch hoa vào lúc có nhiều nụ to, chưa nở hoa, trọng lượng và chất lượng dược liệu sẽ cao hơn. Hãy cùng tìm hiểu một số công dụng của hoa hòe và cách uống trà hoa hòe tốt cho sức khỏe nhé!

Những công dụng của hoa hòe

hoa hòe

Hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, giảm huyết áp và làm bền thành mạch. Loại dược liệu này được dùng để chữa các bệnh như chảy máu cam, băng huyết, huyết áp tăng… Sau đây là những công dụng của hoa hòe nói chung và trà hoa hòe nói riêng trong việc cải thiện sức khỏe, giữ gìn vóc dáng và điều trị một số căn bệnh.

Hoa hòe chữa bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng mà các tĩnh mạch ở phần cuối trực tràng và hậu môn bị sưng và viêm. Đôi lúc, lớp màng mạch máu căng quá mức khiến cho tĩnh mạch lồi ra khỏi hậu môn và gây khó chịu, nhất là khi đi đại tiện. Kem bôi, thuốc mỡ là những liệu pháp được dùng phổ biến nhưng chúng thường chỉ làm dịu các triệu chứng khó chịu tạm thời thay vì chữa trị tận gốc bệnh trĩ.

Các hợp chất có lợi trong hoa hòe là một trong những chất bổ sung rất tốt cho người bị bệnh trĩ. Chẳng hạn như, chất troxerutin có đặc tính vận mạch và là một liệu pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Ngoài ra, oxymatrine trong hoa hòe cũng được biết đến là chất giúp giảm sưng do các mạch máu suy yếu.

Cách dùng hoa hòe chữa bệnh trĩ có thể tác dụng hơi chậm. Bạn cần phải kiên trì kết hợp với chế độ dinh dưỡng và thói quen sống hợp lý để chữa bệnh trĩ hiệu quả.

Trà hoa hòe tốt cho tim mạch

Hoa hòe không chỉ hỗ trợ mạch máu mà còn giúp cả hệ thống tim mạch khỏe mạnh hơn. Loại dược liệu này có tác dụng ổn định nhịp tim và tạo ra môi trường ít nhạy cảm với sự hình thành cục máu đông.

Chất oxymatrine trong hoa hòe thậm chí còn có thể bảo vệ và cải thiện chức năng của tim. Hoa có tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch và làm hạ huyết áp cho người bị cao huyết áp.

Hoa hòe giúp ngủ ngon

Hòe giúp ngủ ngon

Mất ngủ là tình trạng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bạn có thể bị mất ngủ vì rất nhiều nguyên nhân như làm việc căng thẳng, uống nhiều cà phê, hút thuốc lá, ngủ ngày nhiều, ngủ không sâu giấc… Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần và giúp bạn dễ ngủ hơn. Sử dụng hoa hòe để cải thiện giấc ngủ là phương pháp phổ biến và đã được nhiều người áp dụng thành công.

Công dụng của trà hoa hòe là thanh nhiệt lương huyết, tức chữa các chứng bệnh do huyết nhiệt, máu nóng gây ra. Vì vậy, uống trà hoa hòe sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn.

Trà hoa hòe giúp trị cao huyết áp

Rutin (một loại vitamin P) là hợp chất glycosid thuộc nhóm flavonoid aglycon được chiết xuất từ hoa hòe. Hợp chất này có tác dụng làm bền thành mạch, tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Cơ thể thiếu vitamin P sẽ khiến sức chịu đựng của thành mao mạch giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ. Do đó, người ta thường dùng hoa hòe để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.

Hoạt chất rutin có trong hoa thường được dùng cho bệnh nhân mắc cao huyết áp hoặc có mao mạch dễ vỡ, đứt, để phòng ngừa tình trạng đứt mạch máu ở não.

Hoa hòe chữa các bệnh xuất huyết

Rutin có tác dụng giảm tính thẩm thấu và tăng độ bền của mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp xuất huyết như trĩ ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, rong kinh, băng huyết… Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, nếu sao hoa hòe thành than thì tác dụng càng tăng.

Trong y học dân gian, hoa hòe được dùng chủ yếu làm thuốc cầm máu trong các bệnh ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, ruột chảy máu.

Trà hoa hòe hỗ trợ giảm cân

tác dụng của hoa hòe giúp giảm cân

Ngoài các tác dụng kể trên, hoa hòe còn có thể giúp bạn giảm cân an toàn. Loại dược liệu này góp phần làm giảm lượng mỡ trong máu, kiểm soát sự trao đổi chất, loại bỏ độc tố đồng thời giúp làm giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan. Nhờ đó, thói quen uống trà hoa hòe sẽ góp phần điều chỉnh trọng lượng cơ thể và giúp giảm béo phì hiệu quả.

Để giảm cân một cách an toàn thì bạn cũng cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện hợp lý để đốt cháy mỡ thừa hiệu quả.

Hoa hòe giúp trị viêm khớp

Nhờ tác dụng chống viêm mạnh, trên thực nghiệm cho thấy hoạt chất trong hoa hòe có tác dụng làm giảm sưng và viêm trên mô hình động vật như chuột và trên bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính.

Bên cạnh hoa hòe, người bệnh cần phải kết hợp nhiều liệu pháp khác như châm cứu ở các huyệt lân cận khớp bị sưng, có chế độ tập luyện ngay khi giảm bớt viêm khớp, tăng cường bổ sung các vitamin nhóm B và C để giảm tình trạng viêm khớp.

Cách pha trà hoa hòe thơm ngon

cách pha trà

Trà hoa hòe được biết đến như một loại thuốc chữa trị các thứ bệnh tim mạch, huyết áp, giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon hơn. Cách pha trà cũng khá đơn giản, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà.
 

Nguyên liệu

Khoảng 20 – 30g hoa hòe khô.

Cách pha trà

– Bạn cho hoa vào ấm trà. Nếu được, bạn nên sử dụng các loại ấm sứ hoặc gốm chuyên dụng trong pha trà truyền thống. Nếu không đủ dụng cụ, bạn có thể sử dụng bình uống nước bằng thủy tinh.

– Dùng nước đã đun nóng khoảng 90 – 95°C để pha. Đầu tiên, bạn đổ một ít nước vào ấm và tráng qua cho ấm nóng, sạch bụi bẩn từ hoa rồi đổ bỏ phần nước tráng này.

– Tiếp theo, bạn rót nước vào ấm sao cho 10g hoa hòe tương đương 100ml nước. Sau 5 – 7 phút thì nụ hòe đã ngấm dần nước và bị chìm xuống dưới. Lúc này, bạn có thể rót trà ra thưởng thức. Nếu nụ hòe chưa chìm xuống nghĩa là bạn đang dùng nước chưa thật sôi. Uống hết nước trà lần 1, bạn có thể châm thêm nước từ 2-3 lần nữa để uống.

– Ngoài ra, bạn có thể pha trà bằng cách cho hoa hòe vào ấm nước và đun sôi trong khoảng từ 1 – 2 phút.

Bạn có thể điều chỉnh lượng hoa pha trà cho thích hợp. Nếu bạn cho quá nhiều thì trà sẽ có màu sẫm và vị hơi đắng. Nếu bạn cho quá ít thì trà sẽ có màu vàng nhạt và vị ngọt nhẹ. Bạn cho lượng vừa phải thì trà có màu vàng, vị ngọt mát rất dễ uống.

Lưu ý khi sử dụng trà hoa hòe

lưu ý khi uống trà hoa hòe

Mặc dù trà hoa hòe vừa tốt cho sức khỏe lại có công dụng trị bệnh nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại trà thơm ngon này. Có một số lưu ý bạn cần ghi nhớ khi sử dụng hoa hòe để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Đối tượng không nên dùng hoa hòe

Loại hoa này có tính hơi lạnh nên những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu không nên dùng. Nếu cần sử dụng trà hoa hòe thì phải do thầy thuốc chỉ định và có sự phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú đều không được tự ý sử dụng.

Không chỉ vậy, bởi vì hoa hòe có tác dụng rất tốt trong điều trị cao huyết áp, giúp hạ áp nhanh chóng nên sẽ rất có hại cho những người có cơ địa huyết áp thấp vì dễ gây choáng và chóng mặt.

Không nên lạm dụng hoa hòe quá mức

hoa hòe

Nụ hoa hòe hoàn toàn không có độc tính, tác dụng phụ hoặc nếu có cũng không đáng kể với phân lượng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, chính vì nụ hoa hòe hoàn toàn lành tính và có tác dụng tốt nên nhiều người bệnh có tâm lý lạm dụng quá mức dẫn đến gây hại cho cơ thể.

Ví dụ, hoa hòe có tác dụng chữa tiêu chảy, đi ngoài ra máu, tuy nhiên lại là thảo dược có tính hàn. Nếu bạn dùng quá liều lượng thì không những không chữa được bệnh mà còn khiến chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

Tránh sử dụng hoa hòe kém chất lượng

Bạn có thể sử dụng nụ hoa hòe kém chất lượng do mua nhầm nhà sản xuất, do quy trình chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh hay do nụ hoa hòe để lâu bị biến chất. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu khi dùng phải những sản phẩm này.

Hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng hoa hòe kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, bạn nên tìm mua hoa hòe ở những địa chỉ bán hàng uy tín, có giấy phép hoạt động và đã được nhiều người tin dùng.

Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc

Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc Tây, thảo dược hay thực phẩm bạn sử dụng. Tình trạng sức khỏe cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng dược liệu này. Vì vậy, bạn hãy thông báo cho thầy thuốc về những loại thuốc mình đang dùng, bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.

Bạn nên đến gặp thầy thuốc để được tư vấn về chế độ ăn uống hợp lý khi dùng hoa hòe thường xuyên. Trong thời gian được điều trị với hoa hòe, nếu bạn nhận thấy có bất cứ tác dụng phụ nào xảy ra hoặc các triệu chứng bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì nên ngưng dùng ngay và tìm kiếm phương pháp chữa trị khác phù hợp hơn.

Không chỉ đẹp mà hoa hòe còn là một dược liệu mang đến nhiều lợi ích trong y học cổ truyền Việt Nam. Do đó, bạn có thể vừa trồng hoa hòe làm cảnh và vừa thu hái hoa để làm trà uống giúp bảo vệ sức khỏe.

Vân Anh HELLO BACSI

Tác giả: Máy Sấy Ánh Dương

Nguồn tin: hellobacsi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 lượt xếp hạng

Click để xếp hạng bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

sendo
shoppe
lazada
Youtube
twitter
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Vui lòng đợi trong giây lát